Tại Việt Nam Điều_dưỡng_viên

Lịch sử hình thành

Cuối thế kỷ XIX, khi các bệnh viện đầu tiên của Việt Nam được người Pháp thành lập thì ngành điều dưỡng và nghề điều dưỡng viên mới chính thức được hình thành. Lúc đầu những người điều dưỡng được đào tạo tại các bệnh viện theo cách "cầm tay chỉ việc" để làm công việc phục vụ. Đến năm 1946, các khóa đào tạo y tá, hộ sinh nông thôn được mở ra và sau đó tăng lên trình độ trung học vào cuối những năm 1960. Hệ đào tạo cao đẳng và đại học điều dưỡng được bắt đầu vào cuối thế kỷ XX.

Từ năm 2000 trở đi, ngành điều dưỡng Việt Nam có những thay đổi như hình thành được hệ thống quản lý điều dưỡng ở các cấp với 65% Sở Y tế các tỉnh đã bổ nhiệm điều dưỡng trưởng, 84,7% các bệnh viện có phòng điều dưỡng, công tác đào tạo điều dưỡng đã nâng lên được hai bậc ở trình độ cao đẳngđại học, thực hành điều dưỡng đang có chuyển biến thông qua thực hiện chăm sóc người bệnh toàn diện, vị trí xã hội của người điều dưỡng đã được nhìn nhận.

Thực trạng

Ở Việt Nam, cứ một bác sĩ thì có 1,5 điều dưỡng, trong khi tỷ lệ tối thiểu mà Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo là 1 bác sĩ/4 điều dưỡng. Tỷ lệ này ở Việt Nam cũng là thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á.[2] Thiếu người, trình độ chưa cao, áp lực công việc lớn[3] cũng là yếu tố làm tăng tần suất rủi ro của các điều dưỡng viên.

Một khảo sát tại Bệnh viện Nhi Trung ương năm 2003 cho thấy, có tới 75% số nhân viên y tế bị vật sắc nhọn đâm khi làm việc (tiêm truyền, bẻ ống thuốc...) mặc dù đa số có đeo găng tay. Gần 93% trong số đó là điều dưỡng viên. Số lần gặp rủi ro này trung bình là 5 lần mỗi năm, có trường hợp đến 67 lần. Phần lớn trong số họ bị vật sắc nhọn đâm xuyên thấu qua da nên nguy cơ mắc các bệnh lây qua đường máu rất cao.[2]